Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

GM - Toyota và ngôi vị nhà sản xuất số 1 thế giới

GM Toyota va ngoi vi nha san xuat so 1 the gioi
Lexus 12 năm liên tục đoạt giải mác xe tốt nhất (Ảnh: AP)

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng Toyota có thể sẽ soán ngôi GM, trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới tính theo doanh số trong năm 2007.

Giá nhiên liệu tăng cao đã khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang dùng những loại xe tiết kiệm nhiên liệu của Toyota, như Camry - mẫu xe bán chạy nhất tại Mỹ gần như liên tục từ 1997 đến nay – hay Corolla, mẫu xe bán chạy nhất thế giới.

Toyota, đã vượt qua Ford từ năm 2003 để giành vị trí nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới, sẽ tiếp tục mở thêm các nhà máy tại Nga, Thái Lan và Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

“Mọi việc đều tiến triển tốt cho Toyota ở mọi phương diện”, một chuyên viên nghiên cứu thị trường ô tô của Okasan Securities, công ty Chứng khoán lớn của Nhật Bản , ông Yasuaki Iwamoto nói, “Toyota đã tạo dựng được danh tiếng là mác xe bền bỉ và chất lượng”.

Điều này thể hiện qua các con số.

Toyota dự kiến sẽ tiêu thụ 8,85 triệu xe trên toàn thế giới trong năm nay. Vào 22/12 tới đây, Toyota sẽ công bố doanh số dự kiến cho năm 2007, tuy nhiên, trước đây Toyota cũng đưa ra định mức 9,8 triệu xe vaò năm 2008.

GM không đưa ra sản lượng dự kiến nhưng năm ngoái đã tiêu thụ được 9,17 triệu xe, đây là lần đạt doanh số lớn thứ 2 trong lịch sử của GM.

Toyota dự kiến mức lợi nhuận 13,4 tỷ USD cho tài khoá 3/2006-3/2007. Trong năm tài chính 2005, Toyota đạt mức lợi nhuận 11,8 tỷ USD - mức thu nhập kỷ lục lần thứ 4 liên tiếp của Toyota trong 4 năm qua.

Trong khi đó, trái ngược với Toyota, GM riêng năm ngoái đã thua lỗ 10,6 tỷ USD và trong 9 tháng năm nay lại lỗ thêm 3 tỷ USD.

GM cho rằng việc người tiêu dùng nhìn nhận các mác xe của GM đều tiêu thụ nhiều nhiên liệu là định kiến không công bằng và thiếu chính xác. GM hiện rất nỗ lực cải thiện định kiến này bằng các chương trình quảng cáo và đưa ra các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu - chiếc Saturn Vue Green Line sử dụng động cơ hybrid là một ví dụ.

GM cho biết, tập đoàn này sẽ tập trung vào các kế hoạch cải cách sản xuất và sẽ không đưa ra các quyết định chỉ để giữ ngôi vị nhà sản xuất số 1 thế giới.

Phát ngôn viên của GM, ông Brian Akre, nói: “Chúng tôi chú trọng vào việc xây dựng lại một GM có tính cạnh tranh cao hơn, cơ cấu gọn nhẹ hơn để sinh ra lợi nhuận trên nền tảng bền vững. Chúng tôi sẽ không thay đổi kế hoạch cải tố tại các nhà máy ở Bắc Mỹ hay hy sinh lợi nhuận để đổi lấy ngôi vị số 1”.

GM hiện vượt xa Toyota tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ 3 thế giới sau Nhật và Mỹ. Năm ngoái, GM chiếm 11% thị phần xe hơi Trung Quốc, trong khi Toyota chỉ có 3,5%. Tại đây, GM đã có 5 nhà máy liên doanh lắp ráp gần như toàn bộ các mẫu xe của GM bán tại Trung Quốc và dự tính sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD trong giai đoạn 2004-2007 để mở rộng sản xuất.

Nhưng Toyota cũng sẽ mở rộng thị trường Trung Quốc cùng với việc sẽ thay mới mẫu Corolla trên toàn thế giới.

Ngay tại Mỹ, Toyota vẫn tiếp tục đe doạ GM. Cách đây 10 năm, GM kiểm soát 1/3 thị phần ô tô tại Mỹ, trong khi Toyota chỉ có 8%. Hiện tại, GM giảm xuống chỉ còn 24% và Toyota đã lên tới hơn 15%.

Trong năm nay, Toyota đã đứng đầu 8 trong 19 phân hạng điều tra về chất lượng sản phẩm trong 3 năm sử dụng do J.D. Power & Associates tiến hành - vượt trội hơn bất kỳ nhà sản xuất nào. Cũng trong đợt khảo sát này, thương hiệu Lexus của Toyota giành vị trí mác xe có chất lượng tốt nhất liên tục trong 12 năm qua.

Với đối tượng khách hàng ưa chuộng loại xe thân thiện với môi trường, Toyota đã rất thành công với mẫu Prius. Mẫu xe này ra mắt từ 1997 và lượng tiêu thụ nhiên liệu chỉ 4,6 lít/100 km.

Các quan chức của Toyota tuyên bố họ không có ý tiếm ngôi của GM.

Phát ngôn viên của Toyota, Paul Nolasco, nói: “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành nhà sản xuất số 1 đối với khách hàng. Doanh số và sản lượng tăng cao chỉ đơn giản phản ảnh nhu cầu của khách hàng ngày một tăng”.

Tuy nhiên, gần đây uy tín của Toyota cũng bị sụt giảm do tỷ lệ xe bị thu hồi tăng cao, một phần là do chính sách giảm thiểu giá thành sản phẩm dẫn đến việc quá nhiều mẫu xe sử dụng chung chi tiết.

Mặc dù phương pháp sản xuất của Toyota đang được các nhà sản xuất khác học tập và đưa vào giảng dạy tại các truờng đại học, Toyota cũng đang chật vật duy trì chất lượng sản phẩm trong thời gian gần đây do hệ quả của việc mở rộng sản xuất - một tín hiệu nguy hiểm cho Toyota. Chủ tịch Katsuaki Watanabe của Toyota liên tục phải hứa hẹn sẽ thắt chắt hơn nữa việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Để đáp nhu cầu đang tăng cao, Toyota sẽ mở thêm một loạt các nhà máy nữa trong năm 2007.

Nhà máy đầu tiên của Toyota ở Nga sẽ lắp ráp mác xe Camry. Tại Thái Lan, sẽ có thêm 1 nhà máy sản xuất xe bán tải, nâng tổng số lên 3 nhà máy của Toyota. Ngoài ra, Toyota còn xây dựng một nhà máy nữa ở Trung Quốc để sản xuất 1 mẫu xe Toyota chưa tiết lộ.

Tại Mỹ, mẫu xe bán tải hạng lớn Tundra sản xuất tại Texas sẽ ra mắt thị trường năm 2007, thể hiện tham vọng của Toyota chen chân vào phân đoạn thị trường béo bở trước nay đều do các nhà sản xuất Mỹ thống trị.

Toyota còn mua lại cổ phần đáng kể từ đối tác cũ của GM là Fuji Heavy Industries (tập đoàn mẹ của Subaru) và Isuzu. Thậm chí, cuối năm 2007 Toyota còn sử dụng nhà máy của Subaru tại Indiana để lắp ráp mẫu Camry.

GM đã từng là cổ đông lớn nhất của Fuji, nhưng GM đã phải bán hết 20% cổ phần để lấy tiền chi cho việc tái cơ cấu sản xuất.Hiện nay, Toyota là cổ đông lớn nhất sau khi mua lại 8,7% cổ phần của Fuji với trị giá 315 triệu USD.

Tháng trước, 6 tháng sau khi GM bán toàn bộ 7,9% cổ phần trong Isuzu, Toyota mua lại 5,9% cổ phần của Isuzu để tiếp cận công nghệ diesel mà Toyota vốn rất thèm muốn.

Một sự tương phản nữa ở hai nhà sản xuất lớn này là mối quan hệ giữa tập đoàn và công nhân. Trong thời kỳ phát triển, Toyota chưa bao giờ viện đến biện pháp cắt giảm hoặc sa thải nhân công và cam kết sẽ không lặp lại chuyện nghỉ hưu non hàng loạt như thời kỳ 1950.

Trong khi đó GM còn đang phải thương lượng về các gói đền bù hoặc nghỉ hưu non với hàng trăm ngàn nhân công trong năm qua nhằm cải tổ lại cơ cấu sản xuất tại Bắc Mỹ.

Bill Schwartz, một chuyên viên cao cấp của công ty tư vấn TBM Consulting – chuyên giảng dạy về phương pháp sản xuất của Toyota cho các khách hàng lớn tại North Carolina – cho rằng, Toyota đã tạo dựng được vị thế trong nhiều thập kỷ qua và hiện tại sẽ không gặp khó khăn trong việc lôi kéo khách hàng của GM.

Bill Schwartz nói thêm: “Điều xảy ra là không thể tránh khỏi (Toyota tiếm ngôi GM) và nó sẽ xảy ra trong năm sau. Toyota đang đi đúng hưuớng và GM thì nguợc lại”

Nhã Kỳ

Theo BusinessWeek

0 nhận xét:

Đăng nhận xét